Trong thời gian trẻ mắc bệnh tay chân miệng cần hạn chế một số thực phẩm có thể làm tăng khả năng lây truyền và gây khó chịu cho trẻ. Theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, ngoài việc cho trẻ ăn lỏng, lạnh, lạt, trẻ mắc bệnh tay chân miệng còn phải đặc biệt lưu ý một số điều khác.
Trẻ mắc tay chân miệng kiêng ăn gì?
TS.BS Trần Thị Minh Hạnh – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, khi trẻ bị tay chân miệng, vết loét làm cho trẻ đau. Do vậy, lượng thức ăn cho trẻ không cần nhiều nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng, giúp con có sức đề kháng tốt hơn để chống chọi với bệnh tật. Theo đó, cho trẻ ăn thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng, chứ không ăn vặt giống như bình thường, ví dụ như snack vừa khô lại không bổ sung được dinh dưỡng cho trẻ.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. Ảnh: K.V
Dưới đây là danh sách một số thực phẩm TS.BS Trần Thị Minh Hạnh khuyến cáo không nên cho trẻ ăn khi mắc bệnh tay chân miệng:
- Không sử dụng gia vị nồng cay hay nóng. Thực phẩm cay có thể gây kích ứng cho các vết loét trong miệng và làm tăng cảm giác đau rát, ví dụ như tiêu, ớt. Do vậy, chỉ nên chế biến thức ăn ít gia vị.
- Không sử dụng thực phẩm có vị chua, ví dụ như cam, chanh, bưởi hay cà chua. Những thực phẩm có vị chua như vậy khi trẻ ăn sẽ bị xót, đau.
- Không sử dụng các loại thực phẩm có chứa caffein, ví dụ như nước ngọt bởi chúng chứa nhiều đường, không mang lại giá trị dinh dưỡng, thay vào đó nên cho trẻ uống nhiều nước lọc.
Không sử dụng gia vị nồng cay hay nóng đối với trẻ bị tay chân miệng.
Làm gì khi trẻ mắc tay chân miệng không chịu ăn, uống?
TS.BS Trần Thị Minh Hạnh chia sẻ, khi trẻ nhỏ mắc bệnh tay chân miệng, không chịu ăn uống thì nguy cơ về thiếu dinh dưỡng và đặc biệt nguy cơ về thiếu nước rất cao, cho nên phải xem lý do nào khiến trẻ không chịu ăn uống.
Nếu như trẻ đau do trong miệng nhiều vết loét, khi đó người nhà cho bé đi khám bác sĩ để bác sĩ cho thuốc, trẻ sẽ đỡ đau. Và khi giảm đau, trẻ sẽ ăn uống được (có thể ăn sẽ đau hơn uống). Lúc này, phụ huynh có thể nghiền nhỏ thức ăn cho trẻ hoặc cho một chút men vào để loãng ra. Đồng thời sử dụng thức ăn mát, không nóng quá và cho trẻ ăn từng muỗng nhỏ một.
“Phụ huynh nên nhớ thức ăn nấu cho bé vị đơn giản, không nên sử dụng nhiều gia vị thì trẻ sẽ không bị xót. Bởi lẽ, khi thức ăn tiếp xúc với niêm mạc bị loét sẽ xót, đau. Khi bác sĩ bôi thuốc vào, trẻ sẽ bớt đau và khi đó trẻ có thể ăn được”, bác sĩ Minh Hạnh nói.
Bác sĩ Hạnh lưu ý rằng, có thể lúc này trẻ chưa ăn được như bình thường nhưng trẻ ăn từng muỗng và phụ huynh tăng số bữa ăn trong ngày lên, đặc biệt là bổ sung bằng dạng uống. Phụ huynh có thể bổ sung các thực phẩm dạng uống cho trẻ, như sữa năng lượng cao có thể thay thế bữa ăn cho trẻ để trẻ dần dần hồi phục sức khỏe khi trẻ ăn được.
“Còn trong trường hợp, nếu trẻ từ chối không ăn, không uống thì nên đưa trẻ đến bác sĩ thăm khám để có những chỉ định kịp thời. Thực tế, trẻ càng nhỏ thì việc trẻ không ăn không uống càng nguy hiểm hơn những trẻ lớn. Việc thăm khám bác sĩ để bác sĩ đánh giá tình trạng trẻ có nên nhập viện hay điều trị tại nhà”, TS.BS Trần Thị Minh Hạnh khuyến cáo.