GĐXH – Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2019 – 2020, trên toàn quốc có đến 60% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm và cứ 3 trẻ có 1 trẻ thiếu sắt, đặc biệt thiếu kẽm thường đi đôi thiếu sắt và ngược lại.
Thời gian qua, các chiến dịch tăng cường kẽm, sắt trong thực phẩm ở Việt Nam thông qua bổ sung các vi chất vào bột mỳ và một số thực phẩm còn chưa đạt mục tiêu kỳ vọng. Chính vì vậy, trong Hội nghị khoa học mở đầu năm mới 2023 của Liên Chi hội Dinh dưỡng, Thực phẩm TP.HCM với chủ đề “Xu hướng ứng dụng bổ sung vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm bổ sung nhằm chủ động nâng cao sức khỏe” đặc biệt đề cập đến vai trò của kẽm và sắt.
Thiếu vi chất dinh dưỡng – “nạn đói tiềm ẩn” với trẻ
Sau đại dịch COVID-19 cùng với nhiều dịch bệnh có xu hướng gia tăng như hiện nay thì tăng cường miễn dịch là yếu tố cốt lõi và dần trở thành một thói quen không thể thiếu.
BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng, Thực phẩm TP.HCM cho biết, thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ vẫn còn phổ biến
Tuy nhiên, trên thực tế, các chuyên gia dinh dưỡng nhận định, đa phần các cha mẹ đều biết trẻ em càng nhỏ tuổi thì càng dễ bị ốm đau, nhưng việc nuôi dưỡng hệ miễn dịch mỗi ngày để ngay cả khi bé khỏe mạnh sẽ hỗ trợ cơ thể sẵn sàng đối phó hiệu quả với các mầm bệnh, giúp trẻ giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, rút ngắn thời gian đau ốm nếu không may mắc bệnh thì chưa phải cha mẹ nào cũng nắm rõ.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Chủ nhiệm Bộ môn Nhi – Đại học Y Hà Nội, dinh dưỡng đóng vai trò “chìa khóa” quan trọng đối nền tảng sức khỏe nói chung và sức khỏe miễn dịch nói riêng. Can thiệp dinh dưỡng phải áp dụng cả vòng đời chứ không phải đợi đến khi mắc bệnh mới bổ sung.
Trong khi đó, theo cuộc điều tra dinh dưỡng Đông Nam Á (Seanuts), bữa ăn hàng ngày của trẻ em Việt Nam mới đáp ứng 50% nhu cầu một số vi chất dinh dưỡng cho nhu cầu hàng ngày, điển hình là kẽm và sắt. Có gần 60% trẻ thiếu kẽm, cứ 3 trẻ có một trẻ thiếu sắt. Những con số này cảnh báo về tình trạng thiếu kẽm sắt đang khá phổ biến ở trẻ em Việt Nam.
BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng, Thực phẩm TP.HCM nhận định: “Vi chất dù rất nhỏ bé nhưng lại đóng vai trò vô cùng to lớn với cơ thể. Thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ khiến hệ miễn dịch suy yếu dần, ảnh hưởng tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em.
Đó là lý do vì sao, thiếu vi chất còn được gọi là “nạn đói tiềm ẩn” gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của trẻ. Vì thế, các chiến lược trong thời gian tới phải nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng – điển hình là kẽm và sắt là một vấn đề cần được tiếp tục quan tâm trong năm 2023″.
Theo BS Ngọc Diệp và các báo viên tại Hội nghị, cần chủ động xây dựng chế độ dinh dưỡng cân đối và phù hợp cá thể ngay từ khi mới ra đời chứ không nên để đến khi có nguy cơ mắc các rối loạn dinh dưỡng hoặc mắc bệnh liên quan đến dinh dưỡng mới quan tâm. Xu hướng ứng dụng vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm bổ sung chất lượng cao nhằm chủ động nâng cao sức khỏe trong cả vòng đời đã và đang tăng nhanh trên toàn cầu.
Bổ sung đủ kẽm, sắt đủ nhu cầu mỗi ngày sẽ giúp trẻ luôn khỏe mạnh
Theo TS.BS Phan Bích Nga – Trưởng Khoa Khám Trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khả năng tăng cường miễn dịch được chi phối bởi một số yếu tố, trong đó bao gồm cả yếu tố về dinh dưỡng. Bởi chính dinh dưỡng là nguồn cung cấp các chất thiết yếu tham gia vào hệ thống miễn dịch cơ thể, đặc biệt là vi chất như sắt và kẽm.
Bổ sung đủ sắt, kẽm cho trẻ để giúp trẻ luôn khỏe mạnh. Ảnh minh họa
BS Phan Bích Nga cho biết thêm, sắt tham gia vào quá trình sản sinh ra các tế bào miễn dịch Lympho T – giúp hỗ trợ chống lại sự tấn công của virus, vi khuẩn. Bởi vậy, khi cơ thể trẻ bị thiếu sắt thì nguy cơ hệ miễn dịch sẽ suy giảm rất cao.
Cùng với sắt thì kẽm cũng đóng vai trò quan trọng với hệ miễn dịch. Vì kẽm vừa là thành phần vừa là xúc tác tăng cường sản xuất ra các yếu tố miễn dịch (miễn dịch tế bào, miễn dịch thích ứng), từ đó tạo một hệ thống “phòng thủ” hỗ trợ giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, chống lại bệnh nhiễm trùng.
Một số biểu hiện liên quan nhiều đến thiếu sắt, kẽm ở trẻ như: Biếng ăn; hay bị bệnh vặt; suy giảm sức đề kháng; da xanh, niêm mạc nhợt nhạt; móng tay, móng chân mỏng, dẹt, dễ gãy; mệt mỏi, thiếu tâp trung; rối loạn giấc ngủ; chậm phát triển chiều cao; dễ mắc các bệnh về da như mẩn ngứa, dị ứng…
Theo BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, điều quan trọng nhất chúng ta không nên chờ bác sĩ chẩn đoán trẻ bị thiếu kẽm và sắt thì lúc đó điều trị rất vất vả, trong đó chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp đa dạng thực phẩm và bổ sung thêm kẽm và sắt trong chế độ nuôi dưỡng trẻ nhỏ hằng ngày.
Vì vậy, để đảm bảo đủ sắt, kẽm cho trẻ, các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ nên chủ động tăng cường các thực phẩm giàu kẽm và sắt như thịt bò, thịt heo, lòng đỏ trứng, hàu, đậu đỗ, các loại rau có lá màu xanh đậm…. và nên chủ động bổ sung dự phòng nhu cầu hàng ngày cho bé để tránh việc thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng này kéo dài ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của trẻ, đặc biệt là các trẻ có nguy cơ thiếu sất kẽm cao như trẻ biếng ăn, hay bệnh vặt trẻ ăn uống không cân đối, hay nhóm trẻ dưới 5 tuổi…
Cha mẹ nên lựa chọn sản phẩm có chứa cả sắt và kẽm đồng thời, trẻ đỡ phải uống nhiều lần, mẹ tiết kiệm được chi phí. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỷ lệ sắt : kẽm xấp xỉ 1:1 thì không có sự ức chế hấp thu của 2 vi chất này, việc bổ sung kẽm và sắt đồng thời không có sự cạnh tranh hấp thu mà còn hỗ trợ hấp thu qua lại lẫn nhau.