1. Không hiểu sao đầu ngón tay của em da dày lên, có những sọc nứt nẻ. Cứ một lớp da dày lột đi, lớp da ở dưới sẽ lộ màu đỏ hoặc trắng hồng. Mỗi lần em giặt quần áo hoặc rửa bát thì lại có cảm giác rất ngứa ngáy khó chịu. Em đã thử bôi một vài loại kem rồi nhưng vẫn không đỡ. Có phải em bị viêm da tay không?- Hằng (Hà Nội).
Trả lời:
Bạn thân mến,
Những dấu hiệu kể trên có thể là do bạn bị mắc bệnh chàm khô hay còn gọi là chàm tăng sừng. Đây là một bệnh khá phổ biến vào thời tiết khô lạnh. Biểu hiện đầu tiên là da khô, lòng bàn tay, bàn chân thô ráp, làm việc xong có biểu hiện như kim chích lòng bàn tay. Lâu ngày dẫn đến bong tróc da, nứt nẻ, rướm m.áu. Tiếp xúc xà phòng có độ kiềm càng cao khiến cho bệnh càng nặng. Vì vậy, bạn cần tránh tiếp xúc với các loại xà phòng, hóa chất..vv..
Bạn nên đến chuyên khoa da liễu các bệnh viện để được điều trị kịp thời và có hiệu quả tốt nhất. Tự bôi thuốc khi chưa biết rõ nguyên nhân có thể khiến cho bệnh của bạn nặng hơn.
2. Chỗ bẹn của mình thường xuyên bị ngứa, da khô và bong tróc. Như thế là mình bị bệnh gì?- Đ.Minh ( Minlee…@yahoo.com).
Trả lời:
Chào bạn,
Việc da ở vùng bẹn của bạn bị ngứa, khô và bong tróc có thể là do bạn đã bị nấm da và cụ thể là nấm bẹn. Bệnh nấm bẹn chiếm một tỉ lệ khá cao trong các bệnh về da. Bệnh này thường gặp nhiều ở các bạn nam. Thông thường các bạn nam bị mắc bệnh này do việc giữ gìn vệ sinh không được tốt, mặc quần áo quá chật hoặc mặc chung quần áo.
Bệnh có một số biểu hiện như sau: những đám da nổi lên thành các vòng màu hồng đỏ, ngứa ngáy. Tổn thương thường tạo thành một mảng có bờ viền rõ rệt, có vảy, phần giữa có xu hướng lành và có mụn nhỏ lấm tấm ở vùng xung quanh bờ viền. Đám tổn thương có màu sẫm, đường kính một vài centimet, gây ngứa ngáy rất khó chịu, thường xuất hiện ở cả 2 bẹn.
Để chữa trị dứt điểm bệnh nấm bẹn bạn cần phải đi khám bác sĩ để có phương pháp điều trị cụ thể. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý giữ gìn vệ sinh vùng bẹn, mặc quần áo khô sạch thoáng mát, không dùng chung đồ với người khác.
3. Cứ đến mùa lạnh là da em lại bị khô, nhăn nheo và thỉnh thoảng bị bong. Mặt em nhìn như hơi bị mốc mốc nhưng em không hề cảm thấy ngứa gì hết. Có cách nào khắc phục hiện tượng này không ạ? – Thu Ngân ( kira…@yahoo.com).
Trả lời:
Thu Ngân thân mến,
Những biểu hiện bạn nêu lên là hiện tượng thường gặp của da vào mùa đông. Rất nhiều bạn khác cũng gặp phải tình trạng tương tự như bạn. Do mùa đông khí hậu lạnh, độ ẩm trong không khí giảm khiến cho da dễ bị khô và nứt nẻ. Thậm chí có nhiều bạn da còn bị bong, mốc trắng.
Để hạn chế tình trạng này bạn nên uống nhiều nước, ăn các loại rau xanh trái cây để tăng cường độ ẩm cho da. Bên cạnh đó, bạn cũng nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm giúp cho da mịn màng hơn. Tuy nhiên bạn cũng chỉ nên dùng một lượng vừa đủ kem dưỡng ẩm chứ không nên bôi quá nhiều. Mát xa da mặt thường xuyên cũng rất tốt cho da. Bạn nên tránh sử dụng nước quá nóng hoặc rửa mặt kĩ khiến cho da mất đi độ ẩm tự nhiên.
4. Trên cổ em có những vết loang màu trắng. Đấy có phải bệnh lang ben không? Nguyên nhân của bệnh là gì? Em nghe nói là dùng riềng có thể chữa bệnh không biết có đúng không?- Thái ( HD).
Trả lời:
Bạn thân mến,
Theo như những gì bạn mô tả thì có thể bạn đã bị bệnh lang ben. Đây là một dạng nấm có tên khoa học Pityrosporum orbiculaire ưa chất béo và chất sừng của nang lông và sống nhờ trên da. Vùng bị bệnh, tia cực tím bị nấm ngăn cản nên da không hấp thu, có màu trắng. Trong khi đó vùng không bị bệnh, tia cực tím không bị ngăn cản, da hấp thu có màu sạm. Bình thường giữa vùng da bị bệnh và da không bị bệnh đã có sự chênh lệch màu. Khi ra nắng, sự chênh lệch màu giữa hai vùng da đó càng rõ hơn. Bình thường lang ben không hoặc ít gây ngứa nhưng khi đổ mồ hôi nhiều sẽ làm ngứa râm ran. Lang ben không gây nguy hiểm nhưng lại làm da có chỗ trắng chỗ sạm làm mất vẻ đẹp, nên vẫn cần điều trị.
Nguyên nhân gây bệnh có thể do: sự tăng trưởng quá mức của nấm thường trên da người. Bị kích thích quá mức khi phơi nắng nhiều hoặc khi môi trường không khí quá khô hoặc ẩm. Việc không lau khô người sau khi tắm, uống corticoid lâu ngày làm cho da giữ nước, do da tiết nhiều bã nhờn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Theo kinh nghiệm dân gian thì có thể dùng 20 gam riềng tươi, giã nát, ngâm trong 200ml giấm thanh bôi lên da. Sau khi thương tổn đã hết, cần tiếp tục bôi thêm hai tuần nữa để tránh bị tái phát.
Khi bị lang ben bạn nên lưu ý: quần áo, khăn mặt phải giặt bằng nước đã đun sôi, phơi hoặc là thật khô, luôn luôn giữ cho da không bị ẩm ướt. Bạn cũng nên mặc các loại quần áo bằng vải cotton giúp thấm hút mồ hôi làm cho da khô.
Tuy nhiên nếu bệnh của bạn thường xuyên bị tái phát thì bạn nên đi khám để được các bác sĩ chuẩn đoán, chữa trị kịp thời.