Bé được sinh ra từ mẹ bị bệnh giang mai. Tuy nhiên, người phụ nữ này không được phát hiện và điều trị sớm trước sinh.
Các bác sĩ khoa Nhi – Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ vừa tiếp nhận một trẻ sơ sinh sinh non nhẹ cân bị bệnh giang mai bẩm sinh. Em bé có tổn thương da, gan lách to. Xét nghiệm dịch não tủy cho thấy bé còn có tổn thương thần kinh.
Trước đó, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng tiếp nhận điều trị trường hợp em bé lây giang mai từ trong bụng mẹ. Người phụ nữ 25 tuổi chỉ biết mình bị giang mai khi chuẩn bị sinh tại một bệnh viện phụ sản ở Hà Nội. Việc can thiệp điều trị lúc này để phòng lây nhiễm cho con là muộn.
Một tháng sau khi sinh, chị cùng bé đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám, xét nghiệm, định lượng kháng thể giang mai để xem liệu tình trạng ở bé là giang mai do huyết thanh từ mẹ truyền sang hay bị giang mai thực sự.
Kết quả em bé sơ sinh bị giang mai bẩm sinh . Bé và mẹ được điều trị bằng kháng sinh đường tiêm, kết quả tốt. Chồng chị cũng được đưa đến để xét nghiệm, điều trị bởi đây là bệnh chủ yếu lây qua đường tình dục.
Trẻ mắc giang mai bẩm sinh có biểu hiện sớm trước 2 tuổi, các dấu hiệu nhận diện thường là có phỏng nước, bong vảy lòng bàn tay, bàn chân, sổ mũi, khụt khịt mũi, viêm xương sụn, xương to, đau các đầu xương làm trở ngại vận động. Ảnh minh họa.
Theo BS. Phạm Thị Lan – Bệnh viện Da liễu Trung ương, giang mai là bệnh do xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum) gây ra, dễ lây lan, chủ yếu là qua hoạt động tình dục.
Người bệnh giang mai thường không biết về căn bệnh này và vô tình lây cho người khác. Bằng việc nhận biết được dấu hiệu và triệu chứng bệnh giang mai sẽ giúp bạn kịp thời điều trị căn bệnh xã hội này.
Con đường lây truyền bệnh giang mai
– Lây truyền qua quan hệ tình dục : Đây là đường lây truyền chủ yếu, chiếm tới 90% trường hợp. Đa số các cách quan hệ tình dục (đường âm đạo, hậu môn hay miệng) đều là nguyên nhân lây truyền bệnh giang mai.
– Lây truyền do tiếp xúc với dịch tiết từ tổn thương giang mai qua các vết xước trên da, niêm mạc.
– Lây truyền từ mẹ sang con do xoắn khuẩn giang mai xâm nhập máu thai nhi qua rau thai.
– Lây truyền do truyền máu hay qua các dụng cụ tiêm, chích bị nhiễm bệnh.
Mẹ mắc giang mai có thể lây truyền cho con trong thời kỳ mang thai. Em bé sinh ra mắc giang mai bẩm sinh có thể không có triệu chứng gì trong vài tuần đầu sau sinh, nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: đục thủy tinh thể, điếc, viêm màng não ,…
Mẹ mắc giang mai thời kỳ mang thai có thể mắc biến chứng khác như: sẩy thai, thai lưu, đẻ non hay sinh con nhẹ cân,.. Vì vậy phụ nữ mang thai cần được làm xét nghiệm sàng lọc giang mai trong 3 tháng đầu và điều trị sớm để tránh biến chứng cho mẹ và con.
Biết được đường lây truyền của bệnh giang mai, người bệnh chú ý trong việc quản lý bệnh để tránh lây lan, đồng thời những người không mắc bệnh cần có kiến thức để tự bảo vệ mình và người thân khỏi những nguy cơ gây bệnh.
Bệnh giang mai có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm, tránh các biến chứng có thể xảy ra của bệnh. Phương pháp điều trị chủ yếu dùng Penicillin là thuốc được lựa chọn đầu tiên để điều trị giang mai. Trong trường hợp bệnh nhân bị dị ứng với penicilin thì có thể thay thế bằng: tetracyclin,doxycyclin, erythromycin. Chú ý không dùng tetracyclin và doxycyclin ở phụ nữ có thai. Người bệnh cần làm xét nghiệm lại RPR vào tháng thứ 3, 6 và 12 sau khi hoàn thành điều trị.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên xét nghiệm tầm soát giang mai ở giai đoạn tiền hôn nhân, trước mang thai, 3 tháng đầu thai kỳ để được điều trị ngay càng sớm càng tốt, đặc biệt trước sinh 4 tuần nhằm tránh nguy cơ lây truyền bệnh giang mai bẩm sinh cho trẻ.
Ngoài bệnh giang mai, bà mẹ chú ý các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác có thể truyền từ mẹ sang con: HIV, viêm gan B, lậu, chlamydia… Những bệnh này không chỉ có nguy cơ gây sinh non, sảy thai, thai chết lưu, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe cho mẹ và cả bé sau sanh.