GĐXH – Tại bệnh viện, thai phụ xuất hiện các cơn co giật nặng sau đó hôn mê sâu do tổn thương hệ thống thần kinh trung ương.
Thông tin từ Bệnh viện E cho biết, mới đây, các bác sĩ khoa Phụ sản của Bệnh viện đã cứu sống thành công thai phụ bị sản giật nguy hiểm. Đặc biệt, thai phụ này còn mắc bệnh beta thalassemia vẫn đang phải truyền máu định kỳ tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương, khiến việc cấp cứu cho cả hai mẹ con thai phụ gặp rất nhiều khó khăn.
Theo đó, thai phụ 25 tuổi, ở Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E trong tình trạng ngất xỉu, co giật liên tục, huyết áp tăng, phù toàn thân, khó thở, suy hô hấp và nôn sặc không cầm, bụng đau âm ỉ.
Ngay lập tức, các bác sĩ chuyên khoa phụ sản, cấp cứu, hồi sức tích cực… tiến hành cấp cứu, hội chẩn và chẩn đoán thai phụ mang thai 37 tuổi bị sản giật nặng trên nền bệnh beta thalassemia.
Sản phụ được chăm sóc sau phẫu thuật. Ảnh BVCC
ThS.BS Ngô Văn Thanh, Khoa Phụ Sản, Bệnh viện E – bác sĩ cấp cứu trực tiếp cho sản phụ cho biết, sản giật là một biến chứng của tiền sản giật nặng, lúc này thai phụ xuất hiện các cơn co giật nặng sau đó hôn mê sâu do tổn thương hệ thống thần kinh trung ương.
Các bác sĩ nhận định đây là ca bệnh khó với nguy cơ tử vong cao cho cả mẹ con, nhất là khi các bác sĩ không đo được nhịp tim của thai nhi qua máy monitor. Do đó, chỉ sau 10 phút đến cấp cứu ở Bệnh viện E, thai phụ được đưa vào phòng mổ và tiến hành mổ “bắt con”.
Tuy nhiên, trẻ chào đời không khóc, da nhợt nhạt. Rất nhanh chóng, trẻ được chuyển cho các bác sĩ tiến hành hồi sức, ép tim… Rất may mắn, sau 3 phút, trẻ đã có phản xạ, khóc, vận động được tay chân, da hồng hào và tự thở.
Người mẹ sau khi được các bác sĩ hỗ trợ vượt cạn thành công đã được chuyển sang hồi sức tích cực, theo dõi và chăm sóc đặc biệt. Hiện sức khỏe hồi phục tốt.
Dấu hiệu cảnh báo thai phụ mắc sản giật
Các bác sĩ cho biết, thống kê tại Việt Nam, sản giật chiếm khoảng 10,7 – 18,4% các trường hợp tử vong ở thai phụ. Sản giật là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm, có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ gây hôn mê sâu, thậm chí đe dọa tính mạng cả thai phụ và thai nhi nếu không được can thiệp kịp thời.
Cơn co giật có thể xảy ra trước khi sinh, khi thai kỳ được 20 tuần, trong lúc sinh hoặc sau khi sinh, đặc biệt là đối với những thai phụ từng có dấu hiệu và triệu chứng của tiền sản giật. Cơn sản giật thường đi sau tiền sản giật, đặc trưng bởi huyết áp tăng cao xảy ra trong thai kỳ và sau khi sinh, phù toàn thân và có protein trong nước tiểu. Tuy nhiên trường hợp sau sinh lại hiếm gặp hơn. Khi tình trạng bệnh của thai phụ tiến triển nặng, gây tác động lên não dẫn đến các cơn co giật, lúc này thai phụ đã mắc chứng sản giật.
Với trường hợp thai phụ này, mức độ sản giật nặng và nguy hiểm hơn vì thai phụ còn mắc mắc bệnh beta thalassemia (tan máu bẩm sinh) – là một nhóm các bệnh di truyền làm giảm lượng hemoglobin bình thường trong hồng cầu.
Phòng ngừa nguy cơ mắc sản giật cho phụ nữ mang thai
Theo các bác sĩ, nguyên nhân gây sản giật có thể xuất phát từ sự bất thường trong quá trình hình thành và chức năng của nhau thai. Lưu lượng máu truyền đến nhau thai giảm đi, khiến việc nuôi dưỡng thai nhi bị hạn chế có thể dẫn đến tiền sản giật và sản giật với các các triệu chứng như co giật, phù toàn thân, hôn mê sâu…
Khi thai phụ gặp các biến chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định thai phụ chấm dứt thai kỳ. Thai nhi có thể được sinh sớm và kế hoạch chăm sóc trẻ sinh non được chỉ định phụ thuộc vào thời gian mang thai, mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh, các bác sĩ khuyến cáo thai phụ khi được chẩn đoán tiền sản giật cần lưu ý những vấn đề sau:
– Thực hiện khám thai định kỳ đầy đủ và đúng lịch, nhất là những cột mốc khám thai quan trọng ở cơ sở y tế cho chuyên khoa phụ sản.
– Chú ý đến chế độ chăm sóc thai phụ, vì với những thai phụ được chẩn đoán mắc hội chứng này cũng như các thành viên trong gia đình cần trang bị kiến thức, tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ để có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn. Cần có chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho thai phụ và thai nhi phát triển tốt.
– Theo dõi, ghi lại sự thay đổi về huyết áp, cân nặng, nước tiểu… hàng ngày để sớm phát hiện bất thường.
– Trong trường hợp thai phụ có các dấu hiệu bất thường, gia đình cần đưa thai phụ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị can thiệp kịp thời, tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.