GĐXH – Đốt than sưởi ấm trong nhà; mặc quá nhiều quần áo dày; uống nhiều rượu; bật máy sưởi quá nóng để làm ấm nhà… là những thói quen làm ấm trong mùa đông có thể tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho cơ thể.
Những việc làm quan trọng giúp phòng ngừa đột quỵ và các bệnh đường hô hấp trong những ngày rét đậm
GĐXH – Trong những ngày thời tiết lạnh sâu, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần giữ ấm cơ thể, không nên ra ngoài lạnh đột ngột khi vừa thức dậy; không nên tắm muộn, đồng thời ăn uống đầy đủ để tăng sức đề kháng, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh hô hấp, tim mạch…
Mới đây, theo thông tin từ UBND xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa vừa bàn xảy ra vụ đốt than sưởi ấm trong nhà khiến 2 vợ chồng tử vong.
Điều đáng nói, đây không phải là việc hiếm gặp. Trước đó, dù đã được cảnh báo rất nhiều về hệ lụy của việc đốt than sưởi ấm trong nhà nhưng nhiều câu chuyện đau lòng vẫn xảy ra. Cách đây không lâu, tại Quảng Bình cũng ghi nhận 2 trường hợp tử vong liên quan đến việc đốt than củi trong phòng kín để sưởi ấm.
Thống kê từ Bệnh viện Bạch Mai hàng năm cũng cho thấy, khi miền Bắc bước vào đợt rét đậm rét hại, Trung tâm Chống độc của Bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc khí CO do đốt than sưởi ấm. Đa phần các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng nặng, thậm chí có trường hợp bị tổn thương đến não.
Đốt than sưởi ấm trong nhà rất nguy hiểm cho sức khỏe. Ảnh minh họa
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, Giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc Gia Hà Nội), việc đốt than, đốt củi trong nhà đóng chặt kín cửa khiến oxy trong không khí hết rất nhanh đồng thời sản sinh ra hai khí cực độc là CO2 và CO. Trong đó, khí CO2 khiến người bệnh nhanh chóng đi vào hôn mê, lịm dần và tử vong.
Cũng theo vị chuyên gia này, sưởi ấm bằng than còn nguy hiểm hơn với người già và trẻ nhỏ, những người hệ hô hấp yếu, sức đề kháng kém. Đặt than trong nhà, phòng để sưởi cũng có thể gây hỏa hoạn, bỏng do cháy quần áo, chăn đệm.
Ngoài sưởi ấm bằng than củi trong nhà dễ gây họa, theo các chuyên gia, hiện nhiều người cũng có một số thói quen làm ấm cơ thể trong mùa đông nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Cụ thể:
Uống rượu để làm nóng cơ thể
Không ít người cho rằng, sau khi uống rượu, cơ thể sẽ có cảm giác nóng lên rõ rệt. Từ đó, làm ấm cơ thể một cách tự nhiên mà không cần sưởi hay mặc quá nhiều áo dày.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sở dĩ người dùng cảm thấy nóng lên sau khi uống rượu là do kích thích của rượu gây giãn mạch máu, tăng nhanh sự trao đổi chất trong cơ thể. Nhưng cũng chính cơ thể giãn mạch này khiến cơ thể rơi vào tình trạng tản nhiệt nhanh chóng. Do đó, uống rượu để tránh rét, nhất là đối với người làm việc, vận động ngoài trời rất dễ bị cảm lạnh, trúng gió, nguy hiểm hơn là tử vong.
Bật điều hòa, máy sưởi quá nóng trong nhà
Mùa đông lạnh, sử dụng các thiết bị như điều hòa, máy sưởi hợp lý sẽ giúp duy trì nền nhiệt ấm trong phòng, nhất là đối với gia đình có trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu để nhiệt độ quá nóng, sẽ gây ra tình trạng chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa trong nhà và ngoài trời.
Lúc này, nếu đột ngột ra bên ngoài trời lạnh, cơ thể rất dễ bị hạ nhiệt, mồ hôi không toát ra được, gây tổn hại dây thần kinh trung ương. Điều này gây nên cảm giác mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt. Trong trường hợp nặng hơn, có thể sẽ thấy nhịp tim và hơi thở ban đầu nhanh, sau đó chậm dần, thậm chí rơi vào hôn mê.
Mặc quá nhiều quần áo dày
Để giữ ấm cơ thể trong mùa đông, nhiều người thường có xu hướng mặc nhiều quần áo, nhất là những bộ quần áo dày. Tuy nhiên, nếu mặc quá nhiều quần áo sẽ dẫn đến cơ thể bị nóng và đổ mồ hôi. Khi mồ hôi bốc hơi nhưng do bị chặn bởi những lớp quần áo dày dẫn đến không thoát được ra được và ngấm ngược vào trong gây lạnh, thậm chí gây cảm lạnh.
Cách giữ ấm cơ thể trong mùa đông
Mặc ấm
Đây là biện pháp đơn giản và hữu hiệu nhất để giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên không nên mặc quần áo dày, mà nên mặc quần áo mỏng, mặc thành nhiều lớp, để gió lạnh không thể luồn vào cơ thể.
Đối với trẻ em mặc quần áo nhiều lớp còn có tác dụng để có thể cởi cho trẻ khi toát mồ hôi do chơi đùa, hoặc nằm ngủ. Mồ hôi của trẻ nếu không kịp lau có thể thấm ngược trở lại cơ thể gây các bệnh đường hô hấp.
Giữ ấm trong nhà
Sử dụng rèm cửa để giữ ấm nhà. Có thể làm ấm trong nhà bằng hệ thống sưởi nhưng tuyệt đối không sử dụng than để sưởi. Khi dùng máy sưởi phải hé cửa để không khí lưu thông. Cùng với đó, không nên ra ngoài trời khi quá sớm hoặc quá muộn, chú ý giữ ấm nhà cửa, đóng cửa để tránh gió lùa.
Ăn uống đủ chất dinh dưỡng
Thực phẩm là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng nhất của cơ thể. Do đó, mùa đông, nhiệt độ giảm, có thể dùng các món ăn từ các loại cây gia vị có tính ấm như gừng, tỏi hoặc uống nước ấm, canh nóng, trà nóng…. để làm ấm cho cơ thể.